Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy

17/01/2025
Viet Nam Smart City trêngoogle news

Trong năm 2024, Thành phố Đà Nẵng đã thu hút được 71 dự án đầu tư nước ngoài mới với tổng vốn đăng ký hơn 233 triệu USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt hơn 73.000 tỷ đồng.

Thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2024, ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2024, Thành phố đã tổ chức  thành  công  nhiều  sự kiện  quy  mô  lớn, lĩnh vực  du  lịch  tiếp  tục  phát  huy được thế mạnh; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng phục hồi khả quan.

“Thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy”, ông Vũ cho hay.

Cụ thể, tính đến ngày 25/12/2024, TP. Đà Nẵng thu hút được 243,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm, tăng 33,2 % so với năm 2023. Trong đó, số dự án cấp mới là 71 dự án (giảm so với năm 2023 là 107 dự án) với vốn đăng ký là 233,6 triệu USD  (cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 182,7 triệu USD); điều chỉnh tăng/giảm vốn 26 lượt  dự án  với  tổng  vốn tăng thêm 7,9 triệu USD…

Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy - Đất Xanh Miền Trung

Một số dự án lớn của các doanh nghiệp như Công  ty TNHH Murata  Manufacturing Việt  Nam, Công  ty TNHH ODK Mikazuki Việt  Nam, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH ICT Vina… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Về thu hút đầu tư trong nước, TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới đạt 73.348 tỷ đồng; tuy giảm 6 dự án nhưng tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng 56,5% so với năm 2023.

Một số chỉ tiêu kinh tế đạt được của TP. Đà Nẵng trong năm 2024 như GDRP của Thành phố ước tăng 7,51%; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 151.307 tỷ đồng, mở rộng gần 17.086 tỷ đồng so với năm 2023 (quy mô tổng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với 12.993 tỷ đồng); kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.911 triệu USD (tăng 2,9% so với năm 2023)…

Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú và cơ sở lữ hành phục vụ ước đạt 12,4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 4,6 triệu lượt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 136.954 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2023; trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành và các hoạt động du lịch tăng cao nhất với 29,8%.

Một  số dự án đầu tư công có  tiến độ thực  hiện  cao trong thời gian vừa qua như Dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung; Đường  ven  biển  nối  Cảng  Liên  Chiểu; Đầu tư xây dựng Nâng  cấp  Bệnh  viện  Phụ sản – Nhi Đà Nẵng;  Công  trình  cầu  Quảng Đà và đường dẫn đầu  cầu; Chung cư xã  hội cho người  có  công  với  cách  mạng  tại đường Vũ Mộng Nguyên…

Cùng với đó, các  dự án đầu tư có nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố cũng đạt giá trị thực hiện cao trong năm 2024, điển hình như Dự án TTC Plaza Đà Nẵng; Căn hộ The Filmore; Khu dịch vụ du lịch Ven Sông Hàn; Nhà ở xã hội  The  Ori  Garden;  Khu  lễ hội  Bà  Nà  Hill;  Dự án Khu căn hộ phía Đông đường Trần Hưng Đạo; Dự án Tổ hợp ven sông Hàn Peninsula Đà Nẵng; Dự án Tổ hợp The Estuary Tuyên Sơn…

Đà Nẵng là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đáng tin cậy - Đất Xanh Miền Trung

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Cục Thống kê TP. Đà Nẵng cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Theo đó, số doanh nghiệp xin tạm dừng và rút lui khỏi thị trường vẫn không ngừng tăng lên (lần lượt tăng 3,9% và 2,2% so với cùng kỳ) trong khi đó số doanh nghiệp mới gia nhập có xu hướng giảm so với năm 2023 khi có 4.051 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng thành lập mới (giảm 8%) với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 16.029 tỷ đồng (giảm 27,3%).

Cục Thống kê TP. Đà Nẵng đề cập, theo kết quả khảo sát đánh giá các  yếu  tố ảnh hưởng đến  khả năng phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do thị trường đầu ra sản phẩm hạn chế; một số doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động  theo yêu cầu; thiếu  nguyên, nhiên, vật  liệu đầu vào…Đặc  biệt, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong khi giá tiền thuê đất sản xuất còn khá cao so với nhiều địa phương khác trong vùng và trên cả nước.

Thị trường bất động sản chỉ mới bắt đầu có tín hiệu tích cực trong quý IV nên chưa thể cải thiện được sự sụt giảm sâu của những tháng đầu năm. Nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn về nguồn  vốn, không bán được hàng; thủ tục  pháp lý của một số dự án triển khai chậm, nguồn cung của một số phân khúc bất động sản khan hiếm…là nguyên nhân kiềm hãm sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong năm 2024.

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Trần Văn Vũ cho biết, rút kinh nghiệm việc khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng thấp trong quý I/2024 đã ảnh hưởng việc tăng trưởng cả năm, Cục Thống kê đã tham mưu, kiến nghị Thành phố đẩy nhanh ngay trong đầu năm 2025.

“TP. Đà Nẵng đã làm việc với Tập đoàn FPT để tiến hành khởi công 4 dự án ngay trong quý I này, 1 dự án trong quý IV; riêng dự án của Tập đoàn FPT là 5.050 tỷ đồng, trong đó 1 dự án trong quý IV là 1.000 tỷ, còn lại trong quý I/2025 phải triển khai thực hiện 4.040 tỷ. Thông thường sau dịp Tết Nguyên đán mới gặp doanh nghiệp nhưng chủ trương của Thành phố hiện nay là phải thực hiện ngay từ đầu năm. Trong quý I/2025, Cục Thống kê sẽ nắm bắt bao nhiêu doanh nghiệp hoạt động ngay từ đầu năm, bao nhiêu công trình triển khai để xúc tiến ngay”, ông Vũ nói.

Bài viết liên quan