Cuối tháng 3, TP Đà Nẵng khánh thành cùng lúc hai cây cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng bắc qua sông Hàn đúng dịp kỷ niệm 38 năm Giải phóng Đà Nẵng. Không chỉ nối liền đôi bờ để tạo an sinh cho người dân, 6 cây cầu ở Đà Nẵng còn là điểm nhấn phát triển du lịch.
Được đánh giá là cây cầu có kiến trúc độc đáo với hình dáng con rồng vươn mình bay ra biển, cầu Rồng đang được UBND TP Đà Nẵng đăng ký kỷ lục rồng thép lớn nhất thế giới.
Phần đầu và đuôi rồng được thiết kế theo phong cách rồng thời Lý. Đầu rồng có khả năng phun lửa và nước. Cầu được khởi công xây dựng tháng 7/2009 và hoàn thành sau gần 4 năm thi công, dài 666m và tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Khánh thành cùng ngày với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được thiết kế theo hình dáng cánh buồm trên sông Hàn. Cầu được khởi công tháng 4/2010, dài 731m, rộng 34,5m và có vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Cầu quay sông Hàn khá nổi tiếng bởi đây là cầu quay đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế, thi công năm 1998 – 2000. Cây cầu dài gần 500m, rộng 12m này nối liền hai tuyến đường trung tâm giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Hàng ngày, cứ đến 1h sáng, phần giữa của cây cầu lại quay 90 độ để mở đường cho tàu thuyền lớn qua lại. Điều này đem lại sự tò mò cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.
Nằm ngay cửa biển, cầu dây võng Thuận Phước dài 1,8 km, rộng 18 m được xây dựng trong hơn 6 năm (2003 – 2009), với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đây là cây cầu treo dây võng lớn nhất Việt Nam, với hệ thống đèn rực sáng về đêm.
Nằm giữa cầu Trần Thị Lý và cầu Rồng là cầu Nguyễn Văn Trỗi có “tuổi thọ” cao nhất. Cây cầu này do hãng RMK (Mỹ) thiết kế và thi công hoàn thành năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni hiếm hoi tại Việt Nam, mục đích phục vụ cho chiến tranh. Việc lấy tên anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đặt cho cầu để tưởng nhớ người thực hiện cuộc đánh bom nhằm mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara năm 1964.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi gồm 14 nhịp giàn thép Poni dài hơn 500m, khổ cầu 10,5m, không có lề dành cho người đi bộ, từng được sửa chữa năm 1978 và 1996. Hiện, cây cầu này được giữ lại như một kỷ vật của Đà Nẵng để phục vụ cho phố đi bộ.