
Thành phố Huế 6 tháng đầu năm: Nền kinh tế di sản tăng trưởng kỷ lục
Sự trở lại ngoạn mục của ngành du lịch và một cuộc “cách mạng” ngành công nghiệp góp phần mang tới tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 9,39% – cao nhất từ trước đến nay của tỉnh.
Những con số biết nói
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Huế ghi nhận mức tăng trưởng GRDP cao nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên vươn lên Top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước. Với thành tích này, Huế xếp thứ 9 trên 63 tỉnh thành khắp cả nước (trước sáp nhập), thứ 3 trong các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chỉ sau Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Bên cạnh chỉ số GRDP, nhiều chỉ số kinh tế khác cũng cho thấy xu hướng tích cực rõ rệt. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh 39%, đạt gần 20.000 tỷ đồng; thu ngân sách tăng 26%, đạt 7.430 tỷ đồng – tương đương 67,7% kế hoạch năm. Đặc biệt, thành phố thu hút hơn 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư, với 19 dự án mới, 461 doanh nghiệp thành lập, tăng mạnh cả về số lượng lẫn vốn đăng ký. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 50,9%, vượt mức trung bình cả nước; kim ngạch xuất khẩu tăng 27,7%, đạt 718,5 triệu USD.
Ngành dịch vụ du lịch thăng hoa và một cuộc cách mạng công nghiệp chính là động lực kép cho thành tựu này.
Sự trở lại và thăng hoa của ngành du lịch
Du lịch luôn là động lực kinh tế chính của Huế trong nhiều năm qua nhưng 6 tháng đầu năm 2025 chứng kiến một sự trở lại ngoạn mục của du lịch Huế, tính từ sau đại dịch Covid-19.
Khu vực dịch vụ nói chung đóng góp 51% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Ngành du lịch chứng bùng nổ mạnh mẽ với tổng lượt khách đạt hơn 3,3 triệu lượt, tăng vọt 71% so với cùng kỳ 2024. Khách quốc tế đạt trên 1,16 triệu lượt, tăng 42%. Tổng thu từ du lịch đạt gần 6.371 tỷ đồng, tăng 59,2%.
Việc Huế đăng cai tổ chức “Năm Du lịch Quốc gia – Festival Huế 2025” đã tạo ra chuỗi hoạt động kéo dài suốt năm, thu hút du khách và tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
Tỉnh cũng đã đa dạng hóa sản phẩm du lịch như du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism), MICE (hội nghị, hội thảo), du lịch sinh thái biển và đầm phá, du lịch cộng đồng, và đặc biệt là nỗ lực phát triển kinh tế ban đêm giúp giữ chân du khách lâu hơn và chi tiêu lớn hơn, tạo đột phá doanh thu.

Cuộc cách mạng công nghiệp với sự trỗi dậy của các ngành nghề mới
Lĩnh vực công nghiệp – xây dựng đã nổi lên như một đầu tàu tăng trưởng với mức tăng ấn tượng, ước đạt 12,72%-15%. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này không còn phụ thuộc vào các ngành truyền thống mà đến từ cuộc cách mạng công nghiệp sâu rộng, với sự trỗi dậy của các ngành sản xuất công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.
Điển hình cho sự bứt phá này là công nghiệp ô tô, khi sản lượng sản xuất tăng vọt gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước. Thành quả này có được nhờ sự đi vào hoạt động và mở rộng của các dự án trọng điểm, đặc biệt là Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế. Bên cạnh đó, sản xuất điện cũng ghi nhận mức tăng trưởng khổng lồ 62,6%, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các khu công nghiệp mới.
Những dự án lớn như nhà máy Kanglongda Huế, nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza và nhà máy sản xuất kính siêu trắng Đạt Phương đang từng bước định hình một nền công nghiệp Huế hoàn toàn mới. Cùng với đó là các dự án trọng điểm có khả năng thay da đổi thịt kinh tế Huế như Dự án mở rộng nhà máy Bia CARLSBERG Việt Nam, dự án hạ tầng khu công nghiệp Gilimex, KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây.

Huế đã ghi nhận 6 tháng đầu năm tăng trưởng rực rỡ. Sự tăng trưởng vượt bậc của GRDP, chính sách thu hút đầu tư hiệu quả và sự phát triển vượt trội của hạ tầng được kỳ vọng tạo ra đòn bẩy mạnh mẽ cho thị trường bất động sản.
Đặc biệt, các khu vực bất động sản trung tâm Huế đang và sẽ cất cánh nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ sự sôi động của ngành du lịch và dòng vốn đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao. Khi chính quyền tỉnh tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư vào hạ tầng chiến lược, niềm tin của các nhà đầu tư vào bất động sản Huế sẽ ngày càng được củng cố.
Điều này không chỉ hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng mà còn là minh chứng cho sự phát triển bền vững, toàn diện của Huế, khẳng định vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương.