
Khách sạn 4-5 sao liên tục kín phòng, Quy Nhơn đứng trước ngưỡng cửa trở thành “thiên đường du lịch”
Đầu năm 2025, du lịch Quy Nhơn tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về cả lượng khách và doanh thu. Cảnh tượng kín phòng liên tục tại các khách sạn 4-5 sao là minh chứng rõ rệt cho sức hút ngày càng lớn của điểm đến ven biển miền Trung.
Sức hút riêng biệt của vùng đất ven biển
Tương truyền vào đầu thế kỷ 20, cảnh sắc nên thơ của Quy Nhơn đã lọt “mắt xanh” của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, giúp nơi đây trở thành chốn nghỉ dưỡng nổi tiếng gắn liền với hoàng gia. Câu chuyện trăm năm đã lùi vào quá khứ. Còn Quy Nhơn bây giờ, thực sự đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ cả nước.
Vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quý giá để phát triển du lịch như Kỳ Co – Eo Gió, Cù Lao Xanh, Ghềnh Ráng Tiên Sa…, và càng mở rộng tiềm năng khi Bình Định sáp nhập Gia Lai, bổ sung lợi thế không gian du lịch rừng nguyên sơ để phát triển tour liên kết biển – rừng.
Bên cạnh đó, hàng loạt sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí quy mô, chuyên nghiệp được tổ chức liên tục như Chung kết cuộc thi Hoa hậu và Nam vương siêu mẫu thể hình thế giới, Liên hoan Diều nghệ thuật Quy Nhơn – Bình Định, Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2025, Giải Vô địch Golf Quốc gia, Giải Vô địch thế giới thuyền máy F1H2O… đã giúp gia tăng sức nóng của vùng đất ven biển miền Trung.

Chính nhờ sức hút mạnh mẽ từ cả cảnh quan và các chương trình trải nghiệm, Quy Nhơn thường xuyên rơi vào tình trạng cháy phòng khách sạn, đặc biệt là phân khúc cao cấp trong suốt mùa du lịch.
Ghi nhận tại nhiều thời điểm cuối tuần, tỷ lệ lấp đầy các khách sạn 4–5 sao trên địa bàn thường đạt mức 90-100%, thậm chí kín phòng nhiều ngày liên tiếp trong các tháng hè từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 7.
Hạn chế về nguồn cung lưu trú và dịch vụ du lịch
Kết quả 6 tháng đầu năm 2025, Quy Nhơn cùng tỉnh Bình Định (cũ) đã đón 6,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 16.850 tỉ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2024. Dù tăng trưởng du lịch mạnh mẽ, Quy Nhơn đang đối mặt với một bài toán quan trọng: nguồn cung lưu trú và dịch vụ đi kèm chưa bắt kịp nhu cầu ngày càng tăng cao.
Hiện Quy Nhơn chỉ có khoảng 15 cơ sở đạt chất lượng cao với 2 khách sạn 5 sao (1.456 phòng) và 13 khách sạn 4 sao (1.763 phòng). Trong khi đó, nơi đây thường xuyên đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao đại diện các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp trong và ngoài nước; giới thể thao và nghệ sĩ quốc tế; giới tinh hoa với yêu cầu cao về không gian lưu trú.
Bên cạnh đó, Quy Nhơn cũng thiếu hụt các dịch vụ du lịch để giữ chân du khách. Điều này đã được ngành du lịch tỉnh Bình Định (cũ) nhìn nhận vào đầu năm 2025, rằng hạn chế khiến doanh thu từ du lịch chưa cao là “Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; thiếu khu vui chơi, giải trí quy mô lớn và chưa có trung tâm thương mại – mua sắm cao cấp để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú”.

Hướng tới tương lai của “thiên đường du lịch” miền Trung
Tầm nhìn của tỉnh Bình Định (cũ) không chỉ là tăng trưởng lượng khách quốc tế mà còn tăng số ngày lưu trú bình quân trên mỗi đầu khách. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 12 triệu lượt khách, doanh thu 45.000 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP; đến năm 2045 sẽ đón 20-22 triệu lượt khách, du lịch chiếm 18-20% GRDP.
Để thực hiện điều đó, Gia Lai nối tiếp tỉnh cũ thực hiện nhiều chiến lược nhằm giải quyết “điểm nghẽn” về sản phẩm du lịch. Cụ thể, thực hiện tour trải nghiệm về đêm tại Quy Nhơn, xây dựng thêm các tuyến phố đi bộ và phố ẩm thực làm phong phú không gian văn hoá cộng đồng, cùng với đó đẩy mạnh hợp tác tổ chức chuỗi sự kiện, lễ hội mang tầm quốc gia và quốc tế để tăng sức hấp dẫn với du khách.

Song song, tỉnh cũng đang nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông kết nối như đầu tư cao tốc Quy Nhơn – Pleiku để tăng liên kết với vùng cao nguyên; nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát, tiến tới mở đường bay quốc tế nhằm xúc tiến du lịch đến các thị trường nước ngoài như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Mỹ…
Nắm bắt tiềm năng tương lai, trên địa bàn Quy Nhơn hiện cũng xuất hiện nhiều dự án mới được đầu tư bởi các đơn vị lớn như FLC Group, Đất Xanh Miền Trung, Hưng Thịnh Corp …, hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới cho vùng đất.
Khi những “khoảng trống” được lấp đầy, cộng với lợi thế tự nhiên vốn có, không quá khi nói rằng Quy Nhơn đang đứng trước cơ hội lớn nhất từ trước đến nay để trở thành một thiên đường du lịch đúng nghĩa. Không chỉ cho Việt Nam, mà còn với du khách quốc tế – những người đang tìm kiếm một vùng biển đẹp, giàu văn hóa và giàu trải nghiệm lý thú.